Không lập Hậu Quách Quý phi (Đường Hiến Tông)

Năm Nguyên Hòa nguyên niên (806), Thái tử Lý Thuần nối ngôi, tức Đường Hiến Tông. Tháng 8 cùng năm, Quách phi được sách phong làm Quý phi[2][5].

Dù là chính thê, nhưng rất kỳ lạ là Hiến Tông chỉ phong Quách thị làm Quý phi, dẫu địa vị trong hậu cung lúc ấy của bà là lớn nhất. Một thời gian sau khi Hiến Tông đăng cơ, mẫu thân của Quý phi là Thăng Bình Trưởng công chúa đã muốn lấy lòng Hiến Tông, tuyển chọn dâng cho Hiến Tông khoảng 50 Thị nữ, nhưng Hiến Tông cho rằng Thái thượng hoàng không thể nhận nên mình cũng không thể nhận rồi trả về[6].

Năm Nguyên Hòa thứ 4 (809), Hiến Tông lập người con trai trưởng của mình là Lý Ninh làm Thái tử, mặc dù Lý Hựu mới là đích xuất. Mãi đến năm Nguyên Hòa thứ 7 (812), sau khi Lý Ninh hoăng thì Hiến Tông mới quyết định chọn Lý Hựu làm Thái tử, đổi tên là Lý Hằng (李恆)[7][8]. Trên Lý Hằng còn có một hoàng tử nữa là Lễ vương Lý Uẩn, nên Hiến Tông muốn để Lý Uẩn đứng ra làm một tờ biểu nhường ngôi Thái tử cho em. Các đại thần cho là không cần thiết vì Lý Hằng là con trai của chính thê nên phải luôn được ưu tiên hơn là con trai của vợ lẽ, vì thế Hiến Tông bỏ ý định này đi.

Năm Nguyên Hòa thứ 8 (813), nhân việc Lý Hằng trở thành Hoàng thái tử, các đại thần cũng nhân đó dâng sớ xin lập Quách Quý phi làm Hoàng hậu. Nhưng Đường Hiến Tông khước từ, do sủng ái rất nhiều phi tần khác, cho rằng Quách Quý phi đã có thế lực lớn bên nhà mẹ, nếu phong Mẫu nghi thiên hạ thì các phi tần khác sẽ e ngại mà không dám tiếp cận ông, nên vẫn để trống[9][10][11]. Thế là trong vòng 15 năm Đường Hiến Tông tại vị, Quách thị tuy là chính thê vẫn không lể lên ngôi Hoàng hậu.